Khu Đông thành phố bao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức dẫn đầu nguồn cung đất nền và lượng tiêu thụ, với khoảng 970 nền đất được tung ra thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ đất nền phân lô của riêng khu vực này đạt tới 100%. Giá đất tăng 5% – 10% so với quý trước, riêng khu vực Quận 2 giá đất tăng 15% – 20% so với quý trước.
Nhu cầu cao, trong khi nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá đất tại nhiều nơi của TP.HCM không ngừng tăng mạnh. Trong đó, khu Đông TP.HCM gồm các quận 2, quận 9, Thủ Đức và các khu vực liền kề như Dĩ An, Thuận An của tỉnh Bình Dương, Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai đã trở thành tâm điểm về sự tăng giá của thị trường.
Nhìn lại thị trường đất nền, nhà phố sau 1 năm, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì mức giá nhiều nơi đã tăng chóng mặt. Cuối năm 2016, dự án đất nền, nhà phố Him Lam Phú Đông gần trục Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức bán ra với giá 23 triệu đồng/m2, mức giá này lúc đó nhiều người đã cho khá cao. Tuy nhiên, hiện nay, giá đất dự án này đã tăng đến hơn 70%.
Đầu năm 2016, giá đất tại các dự án dọc theo đường Tam Đa, phường Trường Thạnh có mức giá trung bình từ 12 - 13,5 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2017 tăng lên 22 - 23 triệu đồng/m2 và đến thời điểm hiện tại, đã lên mức 26,5 - 28 triệu đồng/m2.
Sức nóng của thị trường đất nền không chỉ diễn ra ở khu Đông TP.HCM, mà lan sang các khu vực giáp ranh thuộc các huyện Thuận An, Dĩ An của Bình Dương và Biên Hòa của Đồng Nai. Tại dự án trung tâm hành chính của huyện Dĩ An, thời điểm cuối năm 2016, giá giao dịch trung bình chỉ từ 14 - 16 triệu đồng/m2, hiện đã tăng lên 25 triệu đồng/m2. Tại Dự án Thái Bình Shoes thuộc huyện Thuận An cũng có mức giá tăng từ 23 triệu đồng/m2 lên trên 30 triệu đồng/m2.
Đất nền trên đường Trần Não, quận 2, cách đây 2 năm giá chỉ có 50 triệu đồng/m2, thì đến nay đã lên đến 200 triệu đồng/m2. Hay như ở khu vực đường Song Hành (xa lộ Hà Nội) cũng tại thời điểm 2015, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra khoảng 50 - 55 triệu đồng/m2, thì đến nay đã lên đến trên 200 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại khu vực Biên Hòa (Đồng Nai), giá đất tại nhiều dự án đã có mức giá tăng khá cao, thậm chí có dự án đã tăng giá gấp đôi trong vòng 1 năm qua. Đơn cử, Dự án Khu đô thị Long Hưng được chính thức mở bán ra thị trường với giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2, sau nhiều đợt mở bán, đến thời điểm hiện nay, giá bán chính thức được chủ đầu tư công bố ra thị trường đã tăng lên từ 16,5 - 25 triệu đồng/m2.
Giá đất nền tại khu vực này gia tăng chóng mặt, một số dự án đất nền có sổ đỏ trên đường Nguyễn Duy Trinh, Gò Cát (Quận 9) được môi giới ra giá 30-35 triệu đồng/m2, trong khi cách đây gần 1 tháng cũng khu vực này được báo giá 25 triệu đồng/m2. Khu vực trung tâm Quận 9 như đường Đỗ Xuân Hợp, Tăng Nhơn Phú…, giá nhà đất từ 40-50 triệu đồng/m2 nhảy vọt lên 44-65 triệu/m2.
Nguyên nhân là do hạ tầng khu vực này ngày càng hoàn thiện, tâm lý chuộng sở hữu đất nền của người dân, cộng thêm tỷ lệ lợi nhuận của phân khúc này luôn cao hơn các phân khúc khác. Việc giá đất nền bị đẩy lên cao hơn giá trị thực làm mất cân bằng thị trường, việc đầu tư mua đi bán lại nhiều lần làm cho những người có nhu cầu thực sẽ khó tiếp cận hơn với loại hình này.
Bên cạnh đó, việc siết chặt hoạt động phân lô, tách thửa của chính quyền thành phố khiến nguồn cung đất phân lô hiện nay trở nên khan hiếm, không đủ cầu nên giá tăng cao, nhất là đối với những dự án đã có sổ đỏ. “Hiệp hội đã báo cáo, đề xuất với lãnh đạo thành phố có cơ chế phối hợp, quản lý kiểm soát việc tách thửa, phân lô theo Quyết định 60 và cũng kiểm soát tình trạng phân lô đất nền tự phát do giới đầu nậu, cò đất” – ông Châu nói.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tại chưa thấy đủ dấu hiệu của “bong bóng bất động sản” như giai đoạn 2006 - 2007, nhưng nếu cơn sốt này còn kéo dài, liên tục đẩy mức giá lên cao quá, các nguồn tài chính chỉ tập trung cho đất nền thì nguy cơ về cơn bong bóng cho phân khúc này rất có thể xảy ra./