Chỉ là một phương thức quản lý nhân khẩu được một số quốc gia tại châu Á áp dụng, trong đó có Việt Nam, nhưng cái sổ hộ khẩu lại liên quan đến hàng loạt quyền lợi của công dân, từ chuyện sinh, tử, kết hôn cho đến việc làm, tiêu chuẩn điện nước, học hành...
Vì liên quan đến gần như toàn bộ sự tồn tại cùng hoạt động sinh sống của công dân nên lâu nay cái sổ hộ khẩu được ví như "ổ khóa cho mọi cánh cửa". Nỗi khổ xung quanh cái sổ hộ khẩu xưa nay kể mãi không hết, bất luận là với cán bộ hay dân trơn. Ai càng cọ xát nhiều với đời sống đô thị thì càng thấm thía với những hệ lụy từ cái sổ hộ khẩu.
Một thời, lắm người từ các tỉnh về đô thị để làm ăn, nhất là TP HCM và Hà Nội, còng lưng làm mãi vẫn không có nổi cái sổ hộ khẩu vì không có nhà do mình sở hữu; muốn có nhà thì phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng muốn chuyển nhượng đất thì lại phải có hộ khẩu. Cái vòng luẩn quẩn ấy kéo theo thật lắm hệ lụy, từ nhỏ như chuyện mua cái xe máy đến lớn như chuyện kiếm việc làm, rồi học hành của con cái. Đấy cũng là mảnh đất béo bở cho vô vàn tiêu cực xảy ra.
Nhưng khổ nhất trong câu chuyện hộ khẩu, mà dân cả nước bất kể vùng sâu, vùng xa hay đô thị đều phải chịu, là những thủ tục giấy tờ liên quan đến hộ khẩu. Khó để tìm ra thứ thủ tục gì trong đời sống mà không đòi hỏi phải có bản sao hộ khẩu. Mà hộ khẩu đem sao ra cũng chưa hẳn đã yên, vì còn phải được công chứng.
Trong xu thế quyết liệt cải cách hành chính, nhìn ra cái sự vô cùng phiền toái ấy nên ngày 30-10-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Tại nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2013 để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có yêu cầu bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú, tạm trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Không chỉ các nhà quản lý phấn khởi vì bỏ hộ khẩu để thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân thì sẽ thuận tiện cho công việc, mà dân chúng thông qua nhiều kênh thông tin cũng đã bày tỏ phấn khởi thế nào khi Nghị quyết số 112/NQ-CP ra đời.
Thấy rõ nhất là việc cần gì thì cơ quan chức năng hay chính quyền cứ gõ một phát vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú là có ngay thông tin về công dân. Cái sự thuận lợi ấy không chỉ ở việc nhanh, gọn mà nhiều chuyên gia còn tính toán là sẽ tiết kiệm cho dân cả nước số tiền cực lớn xung quanh chuyện làm hộ khẩu và in sao hộ khẩu khi cần giao dịch.
Nhưng có nhiều lý do để vì sao cái việc rất đáng được hân hoan chào đón ấy mãi từ đó đến nay vẫn cứ chưa thành hiện thực? Nhưng dù muốn hay không thì lợi ích của việc bỏ hộ khẩu giấy là đã quá rõ. Trong xu thế cải cách hành chính, đây là việc rất đáng phải làm ngay.
Lương Duy Cường ( NLD)