Kỳ họp bất thường HĐND TP HCM khai mạc ngày 15/3 dự kiến thông qua hàng chục đề án thực hiện cơ chế đặc thù, phát triển.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 54 Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố có 21 đề án cần HĐND thông qua. Do đó, năm nay thành phố sẽ họp HĐND bất thường bốn kỳ, chứ không phải hai kỳ như mọi năm, để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Khối lượng công việc triển khai rất lớn, ông Phong và Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cùng hai tổ công tác phải "chạy nước rút" do cuối năm là hết hạn định thông qua các đề án. Đến 2020 thành phố sẽ sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết.
Tại kỳ họp lần này, UBND TP HCM sẽ báo cáo các đề án nổi bật như: thu hút nhân tài; tăng thu nhập cán bộ; thành phố phân cấp, phí đỗ xe trên lòng lề đường; có 20m2 nhà ở mới được đăng ký thường trú...
|
TP HCM sẽ thì điểm nhiều cơ chế mới để tăng tốc phát triển. Ảnh: H.C.
|
UBND quận huyện được thu hồi đất
Một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND TP HCM được ủy quyền cho các sở ngành, quận huyện và người đứng đầu địa phương. Điều này giúp tăng quyền, trách nhiệm, tính chủ động, kỷ luật cho cơ sở; giảm khâu trung gian, giảm áp lực và mức độ tập trung giải quyết sự vụ của UBND thành phố.
Đặc biệt, thành phố sẽ ủy quyền cho quận huyện toàn bộ công tác thu hồi đất theo Khoản 3, Điều 66 Luật đất đai 2013, gồm: xây dựng kế hoạch thu hồi đất; phương án bồi thường, tái định cư. Ngoài ra, các quận huyện còn được phê duyệt giá bán nền đất; bán nhà ở cũ nhà nước quản lý...
Đề án cũng xác định các sở ngành, quận huyện được tự quyết định trong nhiều lĩnh vực về đô thị - môi trường; kinh tế - ngân sách - dự án; lĩnh vực văn hóa - xã hội - khoa học; lĩnh vực nội chính (kiểm tra hoạt động các tổ chức hành nghề luật sư; công tác liên quan cán bộ, công chức).
'Trải thảm đỏ' thu hút người tài
Đề án nhằm tập trung cán bộ trình độ cao, sáng tạo, có khả năng hoạch định chiến lược và tham mưu cho lãnh đạo thành phố hoàn thành các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay khi được tuyển chọn, người tài được trợ cấp 80-100 triệu đồng. Họ được hưởng mức thu nhập theo bảng lương Chuyên gia cao cấp, khi thực hiện tốt nhiệm vụ sẽ được hưởng mức cao hơn.
Thành phố cũng có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bố trí nhà ở công vụ; hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân...
Qua phản biện của các chuyên gia, Sở Nội vụ giữ nguyên quan điểm thành lập Hội đồng tuyển chọn; mở rộng phạm vi áp dụng cho các cơ quan, tổ chức khác ngoài sở ngành, khu công nghệ cao là doanh nghiệp nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học... Cho phép các đơn vị trực tiếp tiếp nhận, ký hợp đồng và đánh giá kết quả hoạt động của chuyên gia.
Tăng thu nhập cán bộ
Dựa trên nguyên tắc "căn cứ vào hiệu quả công việc và không cào bằng", dự kiến năm nay thành phố điều chỉnh hệ số tăng thu nhập cho cán bộ tối đa 0,6 lần. Đến 2020 tăng tối đa 1,8 lần.
Số tiền ngân sách 2.342 tỷ đồng sẽ được thành phố chi cho hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn.
Tiền chi trả được lấy từ nguồn cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, nguồn cải cách tiền lương trích từ tiền thu được để lại hàng năm, ngân sách cấp huyện, cấp thành phố...
Để tạo nguồn cải cách tiền lương, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) nguồn thu được để lại hàng năm.
Đề án nhận được sự đồng tình khá cao.
|
TP HCM sẽ áp dụng chính sách có 20 m2 nhà ở mới được đăng ký thường trú để hạn chế người nhập cư, giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng. Ảnh: Hữu Công.
|
Có 20 m2 nhà ở mới được đăng ký thường trú
Trong bối cảnh dân số cơ học ngày càng tăng, thành phố đang gặp áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, ô nhiễm môi trường, giá bất động sản tăng cao... Đây là lý do để TP HCM đề xuất các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê (hoặc mượn, ở nhờ) phải có diện tích bình quân cho mỗi người phải đạt 20 m2, không phân chia khu vực nội thành hay ngoại thành.
Quy định này không áp dụng với một số trường hợp người thân trong gia đình như: người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh chị em ruột; người chưa thành niên không còn cha mẹ, hay còn nhưng không có khả năng nuôi dưỡng; người khuyết tật, tâm thần, mất khả năng lao động, nhận thức, điều khiển hành vi về ở với người thân, người giám hộ...
Lực lượng quản lý xây dựng đô thị được đưa về quận huyện
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, từ khi lực lượng này được đưa từ quận huyện lên đã khiến biên chế của đơn vị tăng 1.030 người. Việc quản lý vì thế mà hạn chế, xảy ra rất nhiều trường hợp vi phạm bị phê bình, kiểm điểm, kỷ luật. Trong khi đó, các đội thanh tra địa bàn chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát sau cấp phép xây dựng, chưa thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...
Sau 5 năm đưa về Sở Xây dựng, lực lượng trật tự xây dựng đô thị sẽ được "trả" về quận huyện để quản lý và làm việc hiệu quả hơn.
Sau khi sáp nhập, lực lượng này sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường; kiểm tra, xử lý vi phạm; lập hồ sơ vi phạm đối với chủ đầu tư, nhà thầu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, chuyển cơ quan điều tra...
|
Phí đỗ ôtô hiện quá thấp nên lòng đường, vỉa hè trở thành bãi giữ xe. Ảnh: Hữu Công.
|
Ôtô đỗ dưới lòng đường phải trả 40.000 đồng mỗi giờ
Phí tạm dừng đỗ ôtô trên lòng đường, vỉa hè được tính cao nhất 40.000 đồng một giờ, nếu đỗ qua đêm lên đến 180.000 đồng (bằng sáu lượt xe của giờ đầu tiên), trong khi hiện tại là 5.000 đồng/lượt.
Mức phí được đề xuất đang cao hơn 10-20% so với giá trông giữ xe của các trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng… và tương đương giá giữ xe ở Hà Nội.
Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho hai nhóm: ôtô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ôtô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.
Nếu đề án được thông qua, tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, dự kiến mỗi tháng thu về 31 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc đề xuất tăng phí lên gấp 10 lần là quá đột ngột; chỉ nên tăng giá tương đương cao ốc, trung tâm thương mại, miễn phí đỗ xe qua đêm.
Tăng phí bảo vệ môi trường
TP HCM hiện có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng gần 143.500 m3 mỗi ngày đêm). Mỗi năm, thành phố thu được 8 tỷ đồng. Thành phố muốn tăng phí với nhóm này.
Đồng thời, có đến 523 cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (thải hơn 22.260 m3 mỗi ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải gần 8.000 m3 mỗi ngày đêm), không phải chịu phí. UBND TP HCM đề xuất bổ sung vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp, để đảm bảo công bằng, giảm xả thải ô nhiễm.
Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3 mỗi ngày đêm sẽ nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng một năm; trên 5 m3 sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải. Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.
Sau bổ sung, TP HCM có thể thu được 60 tỷ đồng mỗi năm.
Trước khi trình HĐND, đề án này có một số ý kiến băn khoăn nếu không cẩn thận sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Họ cũng đề nghị xem xét lại việc đưa các cơ sở y tế, khám chữa bệnh vào đối tượng thu phí.
Theo Tuyết Nguyễn ( VNexpress)