Chiều 2-7, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM đã có văn bản trả lời về vấn đề này. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra thì nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để mùi hôi.
Theo các chuyên gia, để giảm mùi hôi phát sinh ảnh hưởng đến cư dân khu vực trên, biện pháp trước mắt là giảm khối lượng rác chôn lấp ở khu xử lý rác Đa Phước.
Khẩn cấp đưa rác về Phước Hiệp
Đại diện Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng cho biết từ khi mùi hôi xuất hiện, công ty phối hợp với cư dân trong khu đô thị theo dõi, lập nhật ký mùi hôi để tổng hợp gửi Sở Tài nguyên - môi trường TP phối hợp xử lý.
Trước đây, công ty có làm đơn gửi các cơ quan, ban ngành TP đề xuất xem xét có giải pháp giải quyết tình trạng mùi hôi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, chứ không đủ thẩm quyền xử lý vấn đề này.
TS Phạm Viết Thuận - Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP - cho rằng để giảm mùi hôi phát sinh thì phải giảm khối lượng rác chôn lấp ở khu xử lý rác Đa Phước. Vì theo ông Thuận, với khối lượng rác chôn lấp lên đến 5.000 tấn/ngày như hiện nay, các khí metan, CO2, H2S... phát sinh rất lớn và bốc lên ở độ cao hơn 1.000m, theo gió lan về khu Nam Sài Gòn.
Ông Thuận đề nghị nên trả lại 2.000 tấn rác/ngày cho khu xử lý Phước Hiệp (H.Củ Chi) và tăng cường phun xịt chất khử mùi hôi ở khu xử lý rác Đa Phước.
Còn phương án Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS - chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước) chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt rác phát điện theo chủ trương của TP, ông Thuận cho rằng phải mất thời gian ít nhất từ 36 tháng trở đi.
Theo ông Thuận, việc trả lại rác cho khu xử lý Phước Hiệp còn giúp TP giảm bớt chi phí xử lý, chi phí vận chuyển vì giá xử lý rác ở Đa Phước cao hơn giá xử lý rác ở Phước Hiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP, cho biết công ty sẵn sàng tiếp nhận rác trở lại Phước Hiệp nếu TP đồng ý đưa rác về đây.
Tuy nhiên, ông Nhựt cho rằng công ty phải đầu tư thêm một ô chôn lấp rác và TP phải triển khai nhà máy đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày.
Người dân khu vực ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Hoàng Văn Thái (Q.7) phải chịu mùi hôi của rác vào mỗi buổi tối - Ảnh: H.THUẬN
Dân tiếp tục phản ứng về mùi hôi
Hằng ngày, hằng giờ, người dân ở khu vực hai quận 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh vẫn tiếp tục ghi nhật ký về mùi hôi đang hoành hành tại đây qua hai trang fanpage "Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng" và "Sự thật về mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn".
Từ nhật ký của người dân cho thấy mùi hôi thối ở đây ngày càng diễn biến nặng nề hơn.
"Khu Lacasa Phú Mỹ Hưng mới 6h30 đã thối kinh khủng, muốn tập thể dục mà đành bỏ cuộc đi về, cả đêm đóng cửa ngộp muốn chết, sáng ra muốn đi bộ thở hít khí trời mà thối thế này sao chịu nổi?" - chị Lan Ngọc, người dân ở đây, than thở.
Một cư dân đáp lại: "Bên khu Panorama mình thì khủng khiếp kể từ đêm qua (1-7). Đóng chặt các cửa sổ, "cố thủ" trong nhà mà vẫn nhức đầu buồn nôn vì cái mùi đặc trưng ấy. Tính chuyển nhà đi mà vướng trẻ con đang học ở đây hết rồi. Chịu hết nổi, càng gần sông, khu vực thoáng thì hình như càng nặng...".
Chị Thùy Dương, người dân ở chung cư Belleza, kể chị bỏ thói quen ngồi cạnh cửa để lấy khí trời vì mùi hôi luôn thường trực.
Theo chị Dương, điều đáng buồn là trong khi người dân phải chịu đựng mùi hôi từ ngày này qua tháng nọ mà chưa thấy cơ quan chức năng có động thái nào để xử lý.
"Ngay cả việc khắc phục các vi phạm môi trường ở bãi rác Đa Phước (được Bộ Tài nguyên - môi trường xác định nơi phát sinh mùi hôi - PV), người dân cũng không được thông tin dù môi trường sống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - chị Dương bức xúc.
Chị Dương cho hay mùi hôi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mà còn tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của chị.
"Dù quán ăn của tôi có mặt bằng khá rộng, có thể tận dụng không gian ngoài trời, nhưng tối đến tôi phải mời hết thực khách vào phòng máy lạnh, chứ đang ăn uống ở ngoài mà mùi hôi thối xộc tới chắc khách bỏ quán luôn" - chị Dương kể.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, cư dân khu Chateau (Phú Mỹ Hưng), cho rằng hiện chỉ tính riêng khu đô thị này đã có khoảng 12.000 căn hộ và nhà phố với 30.000 người dân đang bị mùi hôi len lỏi vào từng bữa ăn, giấc ngủ.
Vì vậy, chị Hà ủng hộ quan điểm xử lý "đơn vị gây ô nhiễm môi trường, vi phạm nhiều lần phải bị đóng cửa".
Cần đặt quyền lợi của người dân lên trên hết
Ông Lê Mạnh Hà, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết từ năm 2015 (khi ông còn là phó chủ tịch UBND TP.HCM) đã có văn bản gửi thường trực Thành ủy, cho rằng ngay từ đầu việc đóng cửa khu xử lý rác Phước Hiệp và tăng lượng rác về Đa Phước là đi ngược lại chủ trương của Thành ủy, UBND TP trước đây, sai so với quy hoạch của Thủ tướng.
Việc này gây lãng phí trong đầu tư, thiệt hại cho Nhà nước khi đơn giá xử lý rác ở Đa Phước cao hơn so với khu xử lý ở Phước Hiệp.
"Đơn giá chôn lấp rác cao và độc quyền chôn lấp đã ngăn cản việc tái chế rác, đốt rác lấy điện, dẫn đến môi trường TP ngày càng bị ô nhiễm. Chưa kể việc đưa toàn bộ rác về Đa Phước tạo ra sự độc quyền chôn lấp rác, nguy cơ mất an toàn về xử lý rác và tác động xấu đến đời sống xã hội..." - ông Hà phân tích.
Theo ông Hà, nếu những vi phạm về môi trường, quy định đầu tư… tại khu xử lý rác Đa Phước chưa được xử lý triệt để thì không tránh khỏi dư luận đặt vấn đề: vì sao VWS được ưu ái, được bảo vệ đến mức bất thường như vậy?
Ông Hà nhấn mạnh cần đặt quyền lợi của người dân lên trên hết nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm do khu xử lý rác Đa Phước gây ra.
Nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết được mùi hôi
Sở Tài nguyên - môi trường TP cho biết có tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân về mùi hôi giống mùi rác xuất phát từ khu xử lý rác Đa Phước.
Đồng thời, sở đã yêu cầu VWS cũng như đơn vị liên quan điều chỉnh các giải pháp khống chế mùi hôi ở đây thông qua 10 giải pháp như: điều chỉnh thời gian giao, nhận rác; bố trí nơi tiếp nhận rác di động ở vị trí thấp để hạn chế khuếch tán mùi hôi theo gió; tăng lớp che phủ; tăng cường phun xịt hóa chất posi - shell khống chế mùi hôi...
Liên quan đến quá trình chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện tại khu xử lý rác Đa Phước, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường cho biết đến nay VWS vẫn đang nghiên cứu.
Về ý kiến của các nhà khoa học đề xuất trả 2.000 tấn rác/ngày cho khu xử lý Phước Hiệp, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường TP cho rằng việc này thuộc thẩm quyền của UBND TP.
QUANG KHẢI - TIẾN LONG ( TTO)