TTO - Đã gần 12 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đến nay dự án này vẫn gặp rất nhiều trở ngại.
Nhà ga Bến Thành của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, Q.1, TP.HCM - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Liệu đến năm 2020 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có đi vào hoạt động hay không?
Liên tục lỗi hẹn
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đây là tuyến giao thông rất quan trọng, giải tỏa áp lực giao thông rất lớn cho một phần TP.HCM.
Theo tính toán, nếu sau khi đưa vào vận hành (năm 2020), mỗi ngày tuyến metro này có thể vận chuyển 620.000 khách. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày địa phương này sẽ cắt bỏ chừng 10.000 lượt xe buýt.
Vì rất quan trọng như vậy nên từ năm 2010, dự án được bấm nút cho khởi động, dự kiến đến năm 2015 đưa vào khai thác tuyến metro đầu tiên.
Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án trên đã được UBND TP.HCM điều chỉnh vốn từ 17.388 tỉ lên 47.325 tỉ đồng, đồng thời kéo giãn thời gian hoàn thành đến năm 2018.
Tuy nhiên, tiến độ dự án tiếp tục bị chậm trễ.
Lý do là chậm trễ trong công tác giải tỏa và lập lại thiết kế kỹ thuật nhà ga ngầm Bến Thành (Q.1), cũng như việc tích hợp nhà ga này với các tuyến metro số 1, 2, 3a và 4.
Như vậy, dự án metro số 1 đành phải lùi thời gian vận hành vào năm 2020. Đây là lần lỗi hẹn thứ ba.
Nguy cơ "đổ vỡ" cao
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, từ tháng 6-2016 đến tháng 4-2017, việc giải ngân vốn ODA cho các nhà thầu đã không được thực hiện do trung ương không giao bổ sung kế hoạch vốn ODA năm 2016 và chưa giao kế hoạch vốn năm 2017.
Trước khó khăn về vốn, TP.HCM đã có nhiều văn bản "kêu cứu" gửi Thủ tướng, Bộ KH-ĐT. Thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn.
Lý do chưa bố trí vốn, theo đại diện chủ đầu tư, là do Quốc hội chưa có ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 1, cũng chưa xác định giá trị vay lại nguồn vốn ODA.
Trước thực tế trên, trong năm 2017, TP.HCM đã tạm ứng hơn 1.673 tỉ đồng để chủ đầu tư trả nợ nhà thầu.
Năm 2018, dự kiến đơn vị này xin tạm ứng thêm 1.000 tỉ đồng để giảm áp lực trước nguy cơ nhà thầu dừng thi công, yêu cầu bồi thường thiệt hại và tiến độ dự án chậm.
Trước nguy cơ "đổ vỡ" dự án do tiến độ quá chậm, tháng 5-2018, TP.HCM có công văn khẩn gửi Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cho biết đến tháng 10-2018 là thời hạn khóa sổ khoản vay trong hiệp định số VN11-P7 với Chính phủ Nhật (khoảng 1.700 tỉ đồng).
Do đó, TP.HCM đề nghị các bộ gia hạn thời gian hiệp định vay đến tháng 10-2019 để có tiền trả các nhà thầu thi công.
Theo NGỌC ẨN ( TTO)