Sau 24 năm được phê duyệt phát triển lên "thành phố mới", đến nay khu trung tâm Nhơn Trạch vẫn vắng bóng người ở.
- Trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch dù ngay giờ cao điểm buổi chiều nhưng đường phố vẫn thưa thớt người qua lại
ẢNH: ĐÌNH SƠN
Năm 1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Long Thành cũ với diện tích 431 km2. Năm 1996, đề án thành phố mới Nhơn Trạch được phê duyệt với diện tích lên đến hàng ngàn héc ta được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị loại 2 của Đồng Nai và là thành phố vệ tinh của TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, Nhơn Trạch vẫn như thành phố “ma” dù thị trường bất động sản đã trải qua nhiều cơn sốt.
Ngay khi chủ trương thành phố mới Nhơn Trạch được thông qua, chính quyền Đồng Nai đã đầu tư nguồn vốn khá lớn để xây dựng hệ thống hạ tầng. Chính vì vậy, một số tuyến đường ở Nhơn Trạch khá rộng và đẹp. Khi hạ tầng được đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản cũng theo đó đổ về đây đầu tư, phát triển các dự án bất động sản, từ đó đã tạo nên cơn sốt nhà đất khi hàng loạt dự án lớn được triển khai xây dựng, giá nhà đất cũng tăng cao ngất ngưởng.
Thông tin quy hoạch mới bị giới đầu tư nắm bắt đã nhiều lần đẩy giá đất Nhơn Trạch lên cao, tạo ra 5 cơn sốt đất. Cơn sốt đất đầu tiên của Nhơn Trạch diễn ra vào năm 1996, khi huyện này được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại 2. Cơn sốt đất thứ 2 vào năm 2006, khi có thông tin xây một cây cầu nối với quận 9, TP.HCM. Đến năm 2014, cơn số đất diễn ra lần thứ 3 khi dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương đầu tư. Cơn sốt đất lần thứ 4 diễn ra vào năm 2016 khi TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Mới đây nhất, cơn sốt lần thứ 5 là hồi đầu tháng 8.2018 khi UBND tỉnh Đồng Nai họp với TP.HCM về phương án xây cầu Cát Lái.
Mặc dù vậy, đến nay sau 24 năm, tuy thị trường bất động sản đã trải qua nhiều cơn sốt đất nhưng các khu đô thị được xây dựng hoành tráng vẫn nằm âm u, hoang lạnh, ít người ở một cách lạ thường. Chính vì vậy, đến nay mọi người vẫn gọi Nhơn Trạch là thành phố “ma”.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc hoang tàn, vắng bóng người ở tại các khu đô thị ở Nhơn Trạch là do thành phố mới quá xa trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch và thiếu các tiện ích như chợ, trường học, bệnh viện… Một nguyên nhân quan trọng khiến nơi đây chưa trở nên sầm uất là bởi người mua đất tại đây phần lớn là dân đầu tư đến từ TP.HCM hoặc thậm chí tận Hà Nội với mục đích đầu cơ lướt sóng kiếm lời chứ họ không có nhu cầu mua để ở.
Dưới đây là phóng sự ảnh về thành phố “ma” Nhơn Trạch
Hạ tầng kỹ thuật tại Thành phố mới Nhơn Trạch được đầu tư khá bài bản, chỉn chu từ đó đã kéo theo các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn trong và nước ngoài về đây đầu tư các dự án "khổng lồ". Có thể kể đến các tên tuổi lớn như: Tập đoàn Vinacapital, China Fortune Land Development (CFLD) của Trung Quốc, Tập đoàn HUD thuộc Bộ Xây dựng, Công ty Tín Nghĩa...
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Đây là khu đô thị của Tập đoàn HUD ở Thành phố mới Nhơn Trạch. Do bán đất nền và đa số là các khách hàng đến từ TP.HCM, Hà Nội... để đầu tư, lướt sóng kiếm lời nên không ai xây nhà ở, khiến nơi đây trở thành một khu đô thị hoang vắng, không một bóng người nhiều năm qua.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Do không có người ở và không được duy tu, bảo dưỡng nên các công trình xây dựng đã xuống cấp.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Nhiều khu đô thị được đầu tư hệ thống hạ tầng khang trang, rộng lớn đã trở thành nơi tập kết đua xe lý tưởng cho thanh niên địa phương.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Một khu căn hộ chung cư cao tầng được xây dựng ngay trung tâm hành chính Nhơn Trạch nhưng nhiều năm rồi bỏ hoang. Bởi hầu hết những người mua bất động sản Nhơn Trạch nhắm đến đất nền để chờ tăng giá, dễ dàng lướt sóng khi có cơ hội.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Những căn biệt thự hàng chục tỉ đồng xây dựng xong cũng không có người ở, để cỏ dại mọc um tùm.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Những dãy nhà phố, shophouse xây dựng xong và đã bàn giao hàng chục năm nay vẫn đìu hưu gió lạnh.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Nhơn Trạch thu hút được khá nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước về đây phát triển dự án, trong đó có China Fortune Land Development (CFLD) của Trung Quốc đang đầu tư hai dự án lớn là Swan Park và Swan Bay. Swan Park có diện tích 941,5 ha còn Swan Bay rộng khoảng 200 ha.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Khu Garden Tower 2 trong dự án Swan Park với hơn 400 căn đã giao nhà gần 1 năm chỉ có hơn 20 hộ ở và hơn 20 hộ đang thi công nội thất. Khu Garden Tower 1 đối diện có khoảng 200 căn cũng giao nhà gần 1 năm nay nhưng rất ít người dọn về ở. Theo một bảo vệ ở khu vực này, đa số các chủ nhà đều ở TP.HCM nên lâu lâu vào cuối tuần có người xuống "nhìn" căn nhà rồi về lại TP.HCM.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Chúng tôi ghé vào khu đô thị Swan Park lúc cao điểm khoảng 17 giờ 30 tối nhưng các khu nhà khang trang nơi đây vẫn tối đèn. Trong khi đó, trên các tuyến đại lộ chính rộng thênh thang gần như không có người đi lại, chỉ lèo tèo một số công nhân làm việc ở khu công nghiệp trở về nhà sau một ngày lao động.
ẢNH: ĐÌNH SƠN ( Thanh Nien)
|