Chỉ một máy scan, máy tính và rành photoshop, trong chục phút có thể làm ra cuốn sổ đỏ nhà đất nhìn… như thật, với giá công làm giả chỉ trên dưới 5 triệu đồng. Sổ giả giống sổ “xịn” đến mức phòng công chứng cũng khó phát hiện. Thậm chí, “trùm” hành nghề photocopy là N.V.P cũng không nhận ra nổi cuốn sổ đỏ mà người thân mình bị làm giả…
Tiệm cầm đồ, “con mồi” béo bở
Theo Công an TPHCM, qua hàng loạt vụ việc ghi nhận, đã hoặc đang điều tra thì các tiệm cầm đồ chính là “con mồi” dễ dàng nhất mà các đối tượng lừa đảo sổ đỏ nhắm tới. Bởi các tiệm này không có đủ trang thiết bị, kỹ năng để phát hiện giả thật, chưa nói là ham lãi cao nên dễ bị gạt. Tỉ lệ cứ 10 vụ bị lừa sổ đỏ thì 7 vụ là các tiệm cầm đồ.
2 cuốn sổ đỏ đều là giả. Ảnh: PV
Từ “bật mí” của cán bộ điều tra Công an TPHCM, chúng tôi tìm đến những “con mồi” béo bở của lừa đảo sổ đỏ. Quả vậy, xòe 2 cuốn sổ đỏ đủ cả dấu mộc đỏ, chữ ký..., bà Trần Thuận Thảo (quận Tân Bình TPHCM) cho biết, mấy tháng trước, có 2 người xưng tên N.V.K và L.T.S (chúng tôi đã cung cấp hình ảnh, dữ liệu cho cơ quan công an nên xin tạm chưa nêu tên tránh “bứt dây động rừng” để công tác điều tra thuận tiện hơn), tới tiệm bà cầm cuốn sổ đỏ 1.000m2 đất mang số 797672701612988 do UBND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cấp.
Trước sự nghi ngại của bà Thảo, 2 người đưa cả giấy kết hôn, giấy tờ khám chữa bệnh cho con ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cả chứng minh thư, sổ hộ khẩu ở Bình Dương rồi năn nỉ cho cầm lấy 100 triệu để mổ cho con bị bệnh nan y. Dù bà Thảo chỉ đồng ý 50 triệu, 2 vợ chồng kia cũng gật đầu, làm giấy vay tiền cầm sổ, thậm chí còn gửi lại cả chứng minh thư, hộ khẩu để làm tin.
Vài ngày sau, một người phụ nữ đứng tuổi tên N.T.Y tới tiệm bà Thảo, xưng là mẹ chồng của ông N.V.K, xin cầm cố tiếp cuốn sổ đỏ mảnh đất hơn 500m2 để lấy thêm 50 triệu mới đủ giúp cháu đủ tiền mổ. Thương người và không nghĩ người phụ nữ đáng tuổi mẹ già kia lừa, nên bà Thảo tiếp tục đưa tiền, giữ sổ.
Sau 1 tháng, tới hạn không thấy “bà lão” cùng với 2 vợ chồng K, S tới lấy sổ, bà Thảo gọi điện thì điện thoại tất cả đối tượng trên đều tắt máy. Hốt hoảng bà cùng nhân viên xuống tận Bình Dương tìm tới nhà theo địa chỉ thì té ngửa khi phát hiện địa chỉ… ma. Mang lên văn phòng đất đai kiểm tra, nhờ tất cả mối quan hệ xác minh giấy tờ, bà Thảo mới phát hiện không chỉ sổ đỏ mà tất cả giấy chứng minh thư, kết hôn, giấy tờ bệnh viện đều là… hàng giả.
Nghi án đánh tráo sổ xịn
Đang lần theo dấu vết đối tượng lừa đảo sổ đỏ mà bà Thảo cung cấp, chúng tôi bất ngờ nhận được thông tin từ cơ quan công an TPHCM về cú lừa sổ đỏ ngoạn mục căn nhà hơn 13 tỉ đồng tại quận 11 mới được khởi tố điều tra cuối tháng 5, cũng liên quan 2 người phụ nữ có nhân dạng và hành vi tương tự.
Cụ thể, từ tháng 3.2019, ông Nguyễn Phước Bảo Khoa (ngụ quận 2 TPHCM) đăng báo rao bán căn nhà mình tại đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11. Tất nhiên ngoài hình căn nhà thì sổ đỏ sổ hồng cũng được post lên mạng. Sau đó, có 2 người phụ nữ (một người già đưa giấy tờ xưng là T.T.S) tới nhà nhưng gặp mẹ ông Khoa hỏi mua nhà. Sau nhiều động tác soi giấy tờ căn nhà, 2 người phụ nữ thống nhất mua căn nhà với giá 13 tỉ đồng, đặt cọc trước 40 triệu và hẹn ngày ra công chứng chuyển nốt tiền, giao sổ.
Tới ngày hẹn ông Khoa cùng mẹ không thấy 2 người đàn bà kia đến. Gọi điện liên lạc cũng không được. Điều oái oăm là mẹ ông Khoa đã nhận cọc tới 40 triệu đồng nên rất tin tưởng, tiếp tục chờ. Chờ mãi không thấy đâu, ông Khoa vội đem giấy tờ lên Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận 11 xác minh và té ngửa khi cán bộ thông tin là sổ giả.
Kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TPHCM kết luận, sổ đỏ, sổ hồng căn nhà của anh Khoa là… giả. Chữ ký, con dấu trên giấy tờ đều làm giả bằng phương pháp in phun màu, không phải do cùng một người ký ra.
Giấy tờ khác liên quan mà các đối tượng để lại để làm tin (bản chính đã được trao công an). Ảnh: P.V
Vài triệu đồng cho cuốn sổ đỏ trị giá bạc tỉ giả
Tôi đã gặp N.V.P - “trùm” trong nghề photocopy có cửa hàng lớn giữa trung tâm TPHCM - đang “nổi đóa” vì người thân bị lừa gạt mua đất dính phải sổ đỏ giả. “Em biểu diễn ngay anh xem, cho sổ đỏ của anh ở TPHCM thành Bình Dương cấp nhé!”. N.V.P nhoay nhoáy bật máy tính, máy scan, máy in rồi thoăn thoắt scan cuốn sổ đỏ của tôi.
Vài phút, chương trình photoshop chuyên nghiệp trên máy tính đã bật lên, tất cả các chi tiết như tên họ, số thửa đất, con dấu, chữ ký “xịn” trên cuốn sổ tôi được N.V.P nhoay nhoáy chỉnh sửa. Ví như muốn sổ đỏ của tôi do chính quyền tỉnh Bình Dương cấp, N.V.P gõ từ khóa tìm kiếm google xem hình thức, chữ ký, con dấu của nơi đó rồi copy y chang gắn vào…
Vài phút máy in laser kèn kẹt chạy và cuốn sổ đỏ mới tinh mang tên họ khác, địa chỉ khác và tất nhiên chữ ký, con dấu của chính quyền địa phương mới… N.V.P đảo cuốn sổ đỏ mới và cũ rồi đưa tôi thử phát hiện. Quả thật nếu không ngửi mùi thơm giấy mới thì tôi cũng… bó tay bởi mọi chi tiết y như thật.
Tiền công làm giả mấy thứ “vặt vãnh” như chứng minh thư, giấy phép lái xe... chỉ cỡ vài trăm nghìn đến 1 triệu. Còn với sổ đỏ, sổ hồng nhà đất, N.V.P cho hay, chỉ cỡ 4 - 5 triệu đồng/cuốn.
NGÔ NGUYÊN ( Lao Động )