TP HCM sẽ chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang cao tầng hiện đại để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe
UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt là Đề án). Theo UBND TP HCM, Đề án này là rất cần thiết nhằm đề ra quan điểm, định hướng phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác phát triển nhà ở trong thời gian qua.
420.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở
Theo Đề án, đến năm 2025, tổng diện tích sàn nhà ở của TP đạt được 237,3 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP là 23,5 m2/người (quy mô dân số dự kiến vào cuối năm 2025 là 10,1 triệu người). Đến năm 2030, tổng diện tích sàn nhà ở của TP đạt được 295 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP là 26,5 m2/người (quy mô dân số dự kiến vào cuối năm 2030 là 11,1 triệu người). Cụ thể, nhà ở xã hội, dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn; nhà ở thương mại dự kiến phát triển 45,2 triệu m2 sàn và nhà ở riêng lẻ do dân tự xây là 59,2 triệu m2 sàn.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, trước mắt, trong 5 năm tới, với nhà ở thương mại, TP ban hành các cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút, hỗ trợ tài chính nhằm tăng tính khả thi, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, bổ sung vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư PPP với loại hình nhà ở này. Tổ chức nghiên cứu, thiết kế và áp dụng các loại nhà ở thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể tái sử dụng, tái cơ cấu hoặc tái chế các nguồn tài nguyên đã sử dụng.
Đối với nhà ở xã hội, TP HCM tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Cùng với đó là rà soát, bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho TP. Đặc biệt, với nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây, TP sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thống nhất sử dụng bản vẽ theo dạng sơ đồ nhà đất để người dân có thể sử dụng 1 bản vẽ cho 2 thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Dự kiến vốn để phát triển nhà ở trên địa bàn TP HCM trong 5 năm tới, theo UBND TP là gần 420.000 tỉ đồng; trong đó vốn đầu tư nhà ở thương mại là hơn 219.000 tỉ đồng, vốn nhà ở xã hội là 15.700 tỉ đồng, còn lại là vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình.
Ưu tiên chung cư cao tầng dọc tuyến metro
Quan điểm phát triển nhà ở của TP HCM khẳng định rõ từng bước giải quyết căn cơ về nhu cầu nhà ở, đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số hằng năm của người lao động, công nhân, các hộ gia đình từ các địa phương khác đến TP sinh sống, học tập và làm việc. Chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang cao tầng hiện đại để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe... Đặc biệt, tăng tỉ lệ nhà ở chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới.
Đối với khu vực 6 quận nội thành phát triển (bao gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, Thủ Đức, quận 9) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Trong 10 năm tới, TP HCM sẽ ưu tiên phát triển chung cư cao tầng ở các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân... Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; phát triển các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Riêng đối với khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1 và 3) sẽ hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025. Tương tự, các quận 4, 5, 6, 11 và Phú Nhuận là những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây nên cũng hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng chung cư cao tầng.
Đối với khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (bao gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và Bình Thạnh) sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng…
Thêm nhiều khu đô thị mới
Theo Sở Xây dựng TP HCM, để giảm áp lực về nhu cầu nhà ở mục tiêu hàng đầu là sử dụng không gian vùng hiệu quả. Đồng thời tạo ra các liên kết giao thông nhằm kết nối không gian vùng có các KCN lớn như Bình Dương, Đồng Nai. Người dân có thể chấp nhận đi làm từ nơi này đến nơi khác để tránh dồn dân về một điểm. "Trong 10 năm trở lại đây, đã hình thành được 10 khu đô thị mới tại TP đạt hiệu quả cao. Dự kiến sắp tới, TP sẽ đánh giá lại và phát huy việc huy động nguồn lực để phát triển, hình thành các khu đô thị mới có tính đột phá" - Sở Xây dựng TP đánh giá.
Trong 10 năm tới, TP HCM sẽ ưu tiên phát triển dọc các trục giao thông công cộng lớn như metro Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhìn nhận năm 2021 TP sẽ có sự bứt phá lớn trong quy hoạch và thị trường bất động sản có sự thay đổi mạnh mẽ. Chính phủ đồng ý TP chuyển đổi hơn 26.000 ha, từ đó sẽ tạo ra quỹ đất để hình thành các khu dân cư, cụm dân cư ở ngoại thành. Hiện nay, tỉ lệ người dân TP HCM làm nông nghiệp rất thấp. Nhu cầu nhà ở các huyện ngoại thành rất cao và TP đang kiến nghị kế hoạch chuyển đổi các huyện thành quận. "Nếu xem xét ở góc độ kinh tế 1 ha đất thương mại, dịch vụ, đô thị có giá trị hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp thì việc chuyển đổi sẽ giúp giãn dân, thay đổi bộ mặt đô thị và mang lại nhiều lợi ích kinh tế" - ông Châu đánh giá.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam cho rằng việc phát triển hạ tầng góp phần giải quyết bài toán nhà ở rất cao. Tại Malaysia tính liên kết đô thị được đánh giá rất tốt trong nhu cầu nhà ở. Buổi sáng có thể thức dậy cách nơi làm việc cả trăm cây số và chỉ mất chừng 1 giờ để đến chỗ làm. Sự phát triển mạnh mẽ tàu điện và đường cao tốc khiến người dân không còn mặn mà ở trong đô thị đông đúc. "Một số doanh nghiệp tại quận Bình Tân đã áp dụng hình thức đưa đón công nhân cách nơi làm 50-70 km bằng xe đưa đón. Nếu TP liên kết giao thông tốt, tôi tin rằng không còn lo lắng áp lực dân số" - kiến trúc sư Nam nói.
LÊ PHONG - PHAN ANH ( NLD OL )