Mở bán dự án khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, “treo đầu dê, bán thịt chó”, một căn hộ bán cho nhiều người… là những thủ đoạn được nhiều doanh nghiệp bất động sản áp dụng, khiến khách hàng vào tròng.
Hàng chục người dân tập trung yêu cầu Công ty Phương Trang trả lại đất
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Báo chí phối hợp hỗ trợ đăng tải thông tin truy tìm đối tượng Nguyễn Việt Hùng (44 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ (TM-DV) Thiên Nhân II vì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch bất động sản thuộc dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang.
Chủ đầu tư... biến mất
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù Khu biệt thự Ocean View Nha Trang không được phép phân lô bán nền, chưa được phép huy động vốn nhưng Nguyễn Việt Hùng sử dụng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (CNQSDĐ) do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho Công ty Thiên Nhân II lừa đảo nhiều cá nhân, doanh nghiệp bằng thủ đoạn xác lập “Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở”, “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” chuyển tiền vào tài khoản công ty, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chi trả các khoản nợ phát sinh tại ngân hàng do trước đó Công ty Thiên Nhân II thế chấp chấp bảo lãnh bằng quyền sử dụng một số lô đất trong dự án Khu biệt thự Ocean View Nha Trang.
Không những thế, một lô đất thuộc dự án nhưng Nguyễn Việt Hùng đã mang đi giao dịch với nhiều người và hầu hết đều lập các “Biên bản bàn giao mặt bằng”… nhằm củng cố lòng tin để nhận tiền của khách hàng. Sau đó, Nguyễn Việt Hùng lẩn tránh, không tiếp xúc với các khách hàng này nữa và Công ty cũng bỏ địa điểm kinh doanh.
Tương tự, cuối tháng 1/2018, dọc trục đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hàng chục người dân tập trung để phản đối công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang, treo băng rôn yêu cầu đơn vị này trả lại đất cho họ do bức xúc khi phát hiện những lô đất mà mình đã đặt cọc bỗng dưng có người đến tiến hành xây dựng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vệt đất dọc trục đường Nguyễn Sinh Sắc thuộc dự án khu phức hợp đô thị thương mại cao tầng Phương Trang hay còn gọi là khu đô thị Sun Bay Đà Nẵng dù Bộ Xây dựng quy định chỉ được phép xây dựng nhà ở để bán, không được phép phân lô bán nền để đảm bảo mỹ quan đô thị nhưng Công ty CP Đầu tư Phương Trang vẫn uỷ quyền cho công ty CP TM-DV Hai Hạnh thực hiện việc thương lượng, lập, ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng.
Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng loạt vụ việc khác như dự án Long Phụng Residence do Công ty CP địa ốc Bình Tân làm chủ đầu tư được bán trùng cho nhiều người, chủ đầu tư sau nhiều lần thất hứa bàn giao nhà hiện đã... “biến mất”; dự án chung cư Gia Phú do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú làm chủ đầu tư xảy ra trường hợp 31 căn hộ đã ký hợp đồng bán cho khách hàng trước đó nhưng lại tiếp tục ký bán cho 39 khách hàng khác và hiện vẫn đang trong quá trình kiện tụng…
Nhà đầu tư phải tự bảo vệ mình
Chỉ cần tra cụm từ “chủ đầu tư lừa khách hàng” trên công cụ tìm kiếm, chỉ trong 0,43 giây đã cho ra khoảng 17.700.000 kết quả liên quan đến cụm từ này. Và điều đáng nói là những vụ việc như thế này đang diễn ra trên khắp cả nước chứ không riêng ở tỉnh thành nào và nó diễn ra ở rất nhiều phân khúc của thị trường từ căn hộ, đất nền đến cả condotel.
Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn như hiện nay, để tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, ông Bùi Xuân Định – TGĐ Trung Nam Land cho rằng khách hàng cần lưu ý lựa chọn sản phẩm của những công ty bất động sản uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu… để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra.
“Nhà đầu tư khi quyết định xuống tiền phải tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư, các hồ sơ pháp lý thực hiện dự án, cần xem xét thực tế tại công trình có đang thi công hay không và thi công đến đâu, năng lực chủ đầu tư như thế nào?...”, ông Định nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, để tránh “tiền mất, tật mang”, khi tiến hành mua nhà, mua đất đề nghị người dân cần kiểm tra hồ sơ pháp lý dự án: Văn bản giao chủ đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng… Thứ hai, kiểm tra điều kiện bất động sản đưa vào kinh doanh. Cuối cùng là kiểm tra hình thức thỏa thuận với bên bán (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán)…
“Hiện nay, Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án bất động sản đã được UBND thành phố phê duyệt khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và website Sở Xây dựng. Người dân có thể tham khảo các thông tin này trước khi giao dịch bất động sản” - ông Hùng nói.
Dưới góc nhìn pháp luật, theo Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp thì không chỉ đầu tư bất động sản mà ở tất cả các lĩnh vực đầu tư khác, nhà đầu tư đều cần bảo vệ đồng tiền của mình bằng cách phải am hiểu rõ về pháp luật, mà cụ thể ở đây là Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản 2014…
“Trong trường hợp nhà đầu tư không hiểu pháp luật thì cần tham vấn luật sư để nắm rõ những điều khoản hợp đồng, điều kiện mua, điều kiện thanh toán, cam kết của nhà đầu tư, thủ tục chuyển nhượng, thủ tục hỗ trợ vốn từ ngân hàng (nếu có) và toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến dự án. Điều này là rất cần thiết vì khi xảy ra tranh chấp, người mua sẽ thiệt thòi nhất và có xu hướng yếu về pháp lý bởi các hợp đồng chủ đầu tư đưa ra là áp đặt” – luật sư Đỗ Pháp khẳng định.
Theo NGUYỄN HOÀNG ( Enternews)